HƯỚNG DẪN BẾ TRẺ DÚNG CÁCH

Bế trẻ tưởng chừng như đơn giản, nhưng bế tư thế nào mới là đúng cách?

Tùy vào từng giai đoạn phát triển của trẻ mà mẹ lựa chọn cách bế phù hợp, hãy cùng Goldgi tìm hiểu những lưu ý bế bé theo từng giai đoạn ngay dưới bài viết này nhé!

Bế trẻ sơ sinh 1 – 2 tháng: Tốt nhất nên bế trẻ theo tư thế nằm ngang, hạn chế thấp nhất tư thế bế thẳng lưng trẻ (còn gọi là bế vác vai). Lý do là vì trong giai đoạn này, chiều dài đầu của bé chiếm khoảng 1/4 tổng chiều dài toàn thân nên khi bế vác, trọng lượng của toàn bộ phần đầu bé sẽ dồn áp lực xuống cột xương sống.

Một số bà mẹ muốn bế vác con lên sau khi cho bú để vỗ lưng cho bé ợ hơi, tránh trớ sữa thì cần chú ý để phần thân bé áp vào ngực mình và đỡ phần đầu, cổ bé ngả tự nhiên vào vai sẽ hạn chế được áp lực lên cột sống bé. Tuy vậy, cũng không nên bế bé trong tư thế này lâu.

Bế trẻ 3 – 5 tháng: Khi bé đạt đến mốc tuổi này, bạn có thể chọn bế bé theo hướng nghiêng hoặc bế dựng thẳng đứng (bế vác). Trong giai đoạn này, đầu bé đã bước đầu giữ được theo phương thẳng nhưng cổ và các cơ ở lưng vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Vì thế, tuy được khuyên là có thể bế bé theo 2 cách trên nhưng cách bế dựng thẳng lưng bé không nên duy trì trong thời gian quá lâu.

Bé trẻ 6 tháng trở lên: Từ giai đoạn này trở đi, bạn có thể lựa chọn nhiều tư thế bế bé khác nhau tùy theo tình huống cụ thể và ý thích của bé. Riêng kiểu bế cắp nách, theo kinh nghiệm dân gian được truyền khẩu thì nên đợi đến khi bé cứng cáp hẳn, thông thường khoảng gần 1 tuổi là tốt nhất.

Một số chú ý khi bế trẻ sơ sinh

  •  Trước khi bế bé, bạn nên rửa tay sạch sẽ và tháo hết các vòng đeo tay để tránh làm trầy xước làn da non nớt của bé. Sau đó, nên xoa hai tay với nhau để tạo độ ấm rồi mới bế bé.
  •  Trong khi bế bé, động tác của bạn cần nhẹ nhàng, dịu dàng, nên nhìn vào mắt bé và mỉm cười. Ngay cả khi bé khóc, bạn đừng tỏ ra mất bình tĩnh khiến động tác trở nên quá nhanh, quá mạnh. Hầu hết các bé sơ sinh đều thích được mẹ bế với sự bình tĩnh, dịu dàng vì như vậy bé mới thấy cảm giác an toàn.
  •  Khi chưa được 2 – 3 tháng, phần cổ của bé rất yếu, không có sức nâng đầu dậy. Vì vậy, bạn cần chú ý hỗ trợ cho phần đầu của bé khi bế bé lên hoặc đặt bé xuống.
  •  Khi bé tỏ ra thích thú với trò chơi nào đó, sau khi kết thúc trò chơi, bạn nên bế bé trong một khoảng thời gian để bé được được yên tĩnh, thư giãn sau khi tinh thần đã ở trạng thái phấn khích.
  • Quan sát phản ứng của bé khi bạn bế để xem bé có cảm thấy khó chịu hay không

  • Giữ đầu bé thoải mái để bé có thể di chuyển và thở
  • Cố gắng tiếp xúc da chạm da với bé để tăng cường tình cảm giữa bạn và bé
  • Nếu bạn cảm thấy lo lắng khi bế bé, hãy ngồi xuống và từ từ bế bé lên. Đây là cách dễ nhất để bắt đầu
  • Nếu bạn phải vừa bế bé vừa nấu ăn, hãy để các vật nguy hiểm như dao, kéo… ngoài tầm với của bé
  • Khi bế bé leo lên hoặc lên xuống cầu thang, hãy bế bé bằng cả hai tay để tăng thêm sự an toàn
  • Đừng bế bé khi bạn đang bực bội và giận dữ vì những hành động không kiểm soát của bạn lúc này có thể gây tổn thương cho bé
  • Bạn có thể sử dụng địu em bé để hỗ trợ nếu bạn phải bế bé trong thời gian dài.

Bế ẵm bé mang lại nhiều lợi ích

Việc bé được ôm chặt trong vòng tay mẹ hay được quấn tã chặt đều tạo cho bé cảm giác an toàn. Việc ôm con vào lòng, nựng bé nhẹ nhàng, âu yếm con, khi nói nhìn thẳng vào mặt con thực sự là những điều trẻ cần và có lợi cho trẻ. Những thí nghiệm cho thấy, một đứa trẻ sinh thiếu tháng sẽ tăng cân nhanh hơn nếu được đặt nằm trên những tấm trải mềm mượt, mịn màng, đơn giản vì những tấm trải như vậy tạo cho bé cảm giác được tiếp xúc, vuốt ve. Vì thế, em bé mới sinh của bạn sẽ cảm thấy dễ chịu khi được mẹ ôm vào lòng, vuốt ve, trìu mến.

Goldgi hi vọng rằng những mách nhỏ này sẽ giúp được phần nào đó hữu ích cho các bậc cha mẹ nhé 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *