Một trong những kỹ năng quan trọng trong quá trình phát triển của bé đó là vận động. Lật người là một trong những động tác di chuyển đầu tiên của trẻ. Người xưa thường nói “ba lật, sáu ngồi, tám bò”. Chiếu theo câu nói này thì thông thường, khi được 3 tháng là lúc trẻ biết lật. Nhưng trên thực tế, giai đoạn biết lật của bé cũng tùy từng khoảng thời gian , cách bé lật cũng do nhiều phương diện, nhiều nhân tố quyết định.
1. Dấu hiệu khi bé sắp biết lật
Đa số trong giai đoạn biết lật của bé, sẽ xuất hiện những dấu hiệu. Nếu lúc này người mẹ nhìn thấy những dấu hiệu đó, nên giúp cho chúng, để quá trình (động tác) lật của chúng được dễ dàng hơn.

- Dấu hiệu thứ nhất: Khi trẻ đang nằm sấp, chúng có thể tự ngẩng đầu lên. Điều này cho thấy các bắp cơ ở cổ và lưng đã có thể chịu lực. Lúc này, nếu để đồ chơi ở trên cao một chút, trẻ cũng đã có thể ngẩng đầu cao hơn để nhìn thấy. Lúc này các bà mẹ có thể lấy đồ chơi chúng yêu thích mà gọi để chúng ngẩng đầu lên. Người mẹ nên vừa chơi vừa trò chuyện cùng bé. Không cần lật người bé lại, vì cách nằm sấp của bé “cách” không xa lúc bé biết lật.
- Dấu hiệu thứ 2: Khi bé nằm ngửa giơ 2 chân lên, hoặc lúc lắc 2 chân. Đầu tiên, bé không thể chuyển động lưng, cho nên chỉ có cái chân đưa qua đưa lại thể hiện ý muốn dịch chuyển thân người của bé. Lúc này, mẹ có thể đưa tay xuống phía dưới lưng bé, đỡ lấy lưng bé để bé có thể lật người lại. Nếu như sau khi lật qua, bé đè lên cánh tay, rút ra không được và khóc, bạn có thể giúp bé lấy tay ra, sau đó từ từ tập cho bé tự rút tay ra.
- -Dấu hiệu thứ 3: Bé tự mình thích nằm nghiêng. Lúc này có lẽ bé đã có “ý thức” lật, chỉ là chưa biết chống tay đẩy cơ thể qua thôi, hoặc hướng này đối với trẻ có khó khăn gì đó, không dễ lật người qua. Lúc này, mẹ có thể đỡ lưng, giúp trẻ lật người qua. Người mẹ cũng có thể dùng cách từ một hướng khác gọi bé, dùng đồ chơi “dụ” bé, để bé có thể tìm ra cách tốt nhất di chuyển thân người.
2. Những biểu hiện trong giai đoạn biết lật của bé
Trong giai đoạn này, bé có thể kiểm soát đầu tốt hơn so với trước đây.
- Từ khoảng 3 tháng tuổi, bạn không cần phải nâng đỡ đầu bé khi bế bé nữa (trừ lúc bé ngủ) – vì lúc ngủ, người bé thường mềm ra. Khi nằm sấp, bé thường ngẩng cao đầu để nhìn xung quanh rõ hơn. Nếu nằm ngửa, bé cũng có khuynh hướng giữ đầu ở tư thế đó và chỉ xoay đầu nhìn khi có điều gì đó gây chú ý (có người đi ngang qua, hoặc món đồ chơi) mà thôi. Chính điều này đã khiến cho những chỗ bị méo ở phần đầu của bé (có từ lúc sinh ra, dần dần được “nắn” lại gần như là hoàn toàn.
- Lúc được gần 4 tháng tuổi, đầu của bé hầu như không còn lắc lư, ngả nghiêng khi bạn bế bé nữa. Đến lúc được gần 5 tháng tuổi, nếu đặt bé ở tư thế ngồi, hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy, phần đầu của bé bị chậm phát triển so với phần thân mình giống như những tháng trước nữa. Khả năng kiểm soát vùng cơ cổ của bé giờ đây đã hoàn hảo và bé chuyển sang giai đoạn hoạt động nhiều hơn.
- Lúc 4 tháng tuổi, bé đã cứng cáp hơn và có thể bắt đầu biết lật. Đầu tiên, bé lật nghiêng (chuyển từ tư thế nằm ngửa, sang tư thế nằm nghiêng một bên), sau đó lật sấp từ tư thế nằm nghiêng. Trong giai đoạn biết lật của bé, con thường đạp chân rất mạnh.
- Được 5 tháng tuổi, bé cử động phần thân mình rất nhiều, thay đổi tư thế từ nằm sấp úp đầu xuống gối sang tư thế chống tay nâng đầu dậy. Kiểu cử động này giúp bé lật dễ dàng hơn.
- Từ 5 tháng trở đi, bé có thể lật từ tư thế nằm ngửa hoặc nằm nghiêng sang tư thế nằm sấp. Đây là động tác khó nhất trong giai đoạn phát triển này của bé. Từ khoảng 5 tháng tuổi trở đi, bé trở nên năng động và linh hoạt hơn rất nhiều và bé vẫn còn bú ngón tay. Khi lật sấp, bé chòi đạp và trườn quanh chỗ nằm của bé. Một động tác “làm mẫu” mà bé rất thích có thể là tư thế “máy bay”. Bé nâng hai tay, hai chân lên khỏi sàn nhà và giữ cho chúng ở tư thế giơ lên cao như là “bay lên”.
- Lúc này, bé đã nhận ra là mình có thể tựa trên một tay, vì thế bé thường sử dụng tay kia để với lấy đồ chơi. Bạn sẽ rất thích thú khi quan sát cảnh bé sẽ quyết tâm đạt được một mục đích nào đó (như với lấy đồ chơi, trườn tới…). Khi lật sấp, bé cũng có thể xoay xung quanh theo đường tròn bằng cách tì vào đùi và bụng (xoay quanh trục), hoặc di chuyển theo hướng của tay. Dấu hiệu này cho thấy, bé nhanh chóng biết bò. Từ đây, chỉ thêm một giai đoạn ngắn nữa là bé có thể bò được vững vàng.
Chăm sóc con, cha mẹ rất hồi hộp chờ đợi từng ngày để thấy sự thay đổi của con. Đầu tiên bé biết hóng chuyện, biết cười và đến giai đoạn biết lật của bé thì các phụ huynh đều rất nóng lòng. Làm sao để theo dõi từng bước phát triển của con một cách tốt nhất , các bà mẹ hãy ghi nhớ các mốc bên trên nhé
Tham khảo : me.phununet.com
Xem thêm : Dạy Con Tập Lẫy ” Một Phát Ăn Luôn ”